Món ăn ngày Tết miền Trung mang đậm dấu ấn của một vùng đất giàu truyền thống, nơi mà ẩm thực gửi gắm những giá trị văn hóa lâu đời, tình cảm gia đình và tinh thần đoàn kết. Qua bàn tay khéo léo của người dân miền Trung, những nguyên liệu quen thuộc được biến hóa thành các món ăn độc đáo, mang hương vị đậm đà và sắc thái riêng biệt. Cùng hòa mình vào không khí Tết với những món ngon đặc trưng chất chứa tình người và hồn quê mộc mạc.
1. Bánh chưng – Bánh tét
Miền Trung “gánh hai đầu đất nước” là vùng đất trung tâm nằm giữa dải đất hình chữ S nên mang trong mình sự giao thoa văn hóa đặc sắc giữa hai miền Nam và Bắc. Điều này được phản ánh rõ nét trong ẩm thực ngày Tết, đặc biệt khi ở đây người dân thường chuẩn bị cả bánh chưng và bánh tét để đón năm mới.
Bánh chưng miền Trung thường được gói nhỏ gọn hơn so với ngoài Bắc, phần nhân cũng đơn giản và ít hơn. Trong khi đó, bánh tét miền Trung có hình thức khá tương đồng với miền Nam nhưng thường chỉ được làm để gia đình thưởng thức thay vì dùng làm quà biếu. Người miền Trung quan niệm, “đòn bánh tét” nghe như “đòn roi”, mang ý nghĩa không tích cực nên không được dùng để tặng.
2. Thịt gà luộc
Trên bàn thờ tổ tiên của người miền Trung ngày Tết, đĩa gà luộc luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng. Gà thường được lựa chọn kỹ lưỡng, phải là giống gà ta khỏe mạnh, chắc thịt, da vàng óng tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn. Thịt gà luộc nguyên con đảm đảo được sự nguyên vẹn mang ý nghĩa cầu mong gia đình sum họp, trọn vẹn năm mới.
Cũng như miền Bắc và miền Nam, thịt gà luộc cũng được bày ra đĩa thành các miếng vừa ăn để gia đình có thể thưởng thức. Thịt gà trắng, mọng nước kết hợp cùng muối tiêu chanh càng làm món ăn trở nên hấp dẫn.
=> Đừng bỏ qua:
3. Dưa món
Nếu miền Bắc nổi tiếng với dưa hành ăn kèm bánh chưng, miền Nam có bánh tét với củ kiệu tôm khô, thì với người miền Trung không thể thiếu dưa món khi ăn cùng bánh tét. Món ăn là tổ hợp các loại rau củ quen thuộc như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải trắng và củ kiệu, tất cả được thái nhỏ vừa ăn, phơi héo giữ độ giòn và sau đó ngâm trong nước mắm chua mặn pha đường. Dưa món là món ăn kèm không thể thiếu, đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hài hòa, đoàn viên.
4. Thịt ngâm mắm
Thịt ngâm mắm là một trong những món ăn ngày Tết truyền thống quen thuộc của người dân miền Trung, gắn liền với sự chất phác và thân thương của vùng đất đầy nắng gió. Thịt thường là phần ba chỉ hoặc thịt nạc vai luộc chín và để ráo, sau đó ngâm trong nước mắm pha đường, tỏi, ớt, sao cho thấm đều gia vị, tạo nên vị mặn ngọt hài hòa. Món ăn được chế biến và bày trên mâm cỗ cúng tổ tiên như một lời nhắc nhở về sự đoàn viên, sum vầy và lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước.
5. Bò kho mật mía
Mật mía được sử dụng để làm mềm thịt bò và tạo vị ngọt thanh, hòa quyện hoàn hảo với các loại gia vị như gừng, sả, ớt, và tiêu. Từng miếng thịt bò được tẩm ướp cẩn thận, sau đó kho chậm trong nhiều giờ, cho đến khi chín mềm và ngấm đều gia vị. Nồi bò kho dậy mùi thơm đặc trưng, màu nâu đỏ óng ánh của mật mía hòa cùng màu vàng của nghệ, tạo nên một món ăn đẹp mắt và kích thích vị giác.
Món bò kho mật mía thường được người miền Trung bày lên mâm cỗ Tết như một cách thể hiện sự chu đáo và tấm lòng hiếu khách. Một đĩa bò kho mật mía, thơm lừng, nóng hổi, sẽ khiến bất kỳ ai thưởng thức cũng cảm nhận được sự ấm áp và hương vị quê hương trọn vẹn.
6. Canh măng nấu xương
Cũng như những nơi khác, trong thực đơn Tết miền Trung không thể thiếu đi những món canh ấm nóng, và món ăn từ măng khô nấu cùng xương heo là một sự lựa chọn hấp dẫn và đầy ý nghĩa. Măng, với đặc tính bền bỉ và dẻo dai, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ và sự trường thọ, là lời chúc phúc tốt lành dành cho gia đình trong năm mới. Còn nước canh trong veo, ngọt dịu, là sự gắn kết giữa các thế hệ, như lời nhắc nhở về sự sum họp và yêu thương bên mâm cơm ngày xuân.
7. Canh khổ qua nhồi thịt
Món canh đặc trưng ngày Tết tiếp theo của miền Trung chính là canh khổ qua nhồi thịt. Món canh sử dụng khổ qua có vị đắng đặc trưng, nhồi đầy thịt heo xay, nấm mèo và gia vị, sau đó nấu trong nước dùng nóng hổi.
Vị đắng của khổ qua tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhưng khi được nấu cùng thịt, nước dùng và gia vị, vị đắng dần được cân bằng như cách con người vượt qua gian khó để tìm đến niềm vui, sự hạnh phúc. Món canh này không thể thiếu trong mâm cỗ Tết, là lời chúc cho năm mới bình an, sức khỏe dồi dào và mọi khó khăn sẽ qua đi để nhường chỗ cho niềm vui và thịnh vượng.
=> Có thể bạn quan tâm:
- Bảng giá giỏ quà Tết
- Giỏ quà Tết đơn giản
- Hộp quà Tết
- Giỏ quà Tết
- Quà Tết doanh nghiệp
- Quà Tết rượu vang
- Quà Tết Ý Nghĩa
8. Chả bò
Chả bò là một trong những đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Chả được làm từ thịt bò tươi ngon, xay nhuyễn rồi trộn đều với gia vị như tiêu, tỏi, hành, ớt, và một số loại gia vị khác, tạo nên một hỗn hợp nhân đậm đà. Điều đặc biệt của chả bò chính là sự kết hợp tinh tế giữa vị ngọt tự nhiên của thịt bò và các gia vị tạo nên một món ăn có hương vị đậm đà, nhưng không quá nặng.
9. Nem chua
Nem chua mang đến một sự kết hợp hoàn hảo giữa các hương vị chua, cay, mặn và ngọt, tạo điểm nhấn độc đáo cho bữa cơm xuân miền Trung. Nguyên liệu chính để làm nem chua là phần nạc vai hoặc thịt mông của thịt heo tươi, xay nhuyễn và trộn đều với các gia vị đặc trưng như tỏi, ớt, tiêu và gia vị lên men. Yếu tố chính giúp nem lên men đúng cách, giữ được độ chua tự nhiên và hương thơm đặc trưng đó là việc dùng lá chùm ruột hoặc lá ổi để gói và bảo quản nem.
10. Tôm chua
Món đặc sản xứ Huế tinh tế và hấp dẫn, tôm chua giúp làm phong phú thực đơn Tết miền Trung. Được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon như tôm sú, củ riềng, tỏi, ớt, khế, chanh và các loại rau thơm, món ăn này mang đến một sự kết hợp hài hòa trong hương vị.
Tôm chua thường được người miền Trung dùng kèm với cơm nóng, các món gỏi cuốn hay đơn giản là chấm với thịt lợn luộc thái mỏng. Sự tinh tế trong cách chế biến và sự kết hợp độc đáo của các nguyên liệu khiến tôm chua trở thành một món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ Tết.
11. Tré
Một món ăn đậm đà và mang tính truyền thống của miền Trung trong dịp Tết là tré. Món ăn được chế biến công phu từ các nguyên liệu khá phổ biến và dễ tìm như gạo, tai heo, mũi heo, bì heo, da heo và các gia vị: riềng, tỏi, mè, nước mắm, hạt nêm,… Không thể thiếu lá ổi và rơm khô để cuốn tré, giúp tré lên men đúng cách và giữ được hương vị đặc trưng.
Tré thường được ăn kèm với bánh tráng, rau sống, và một số gia vị khác như nước mắm hoặc ớt. Món ăn này có thể dùng làm món khai vị trong bữa cơm Tết hoặc đơn giản là món nhắm cho những buổi gặp mặt bạn bè, gia đình trong những ngày xuân.
12. Xôi đậu xanh
Miền Bắc có xôi gấc, miền Nam có xôi vò cho ngày Tết thì miền Trung có xôi đậu xanh dẻo thơm. Xôi đậu xanh là món ăn tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Được làm từ nếp thơm, xôi đậu xanh mang đến hương vị dẻo thơm và độ bùi béo của đậu xanh, tạo nên một món ăn ngon miệng và dễ ăn. Món ăn này thường được thưởng thức nóng, và nếu ăn kèm với một ít mè rang sẽ tạo thêm vị thơm và giòn, làm tăng thêm hương vị.
13. Chè đỗ xanh
Tiếp đến với các món tráng miệng đặc trưng Tết miền Trung, bắt đầu cùng chè đỗ xanh. Hương vị của chè đậu xanh là sự kết hợp tinh tế của ngọt ngào, béo bùi và thanh mát. Đậu xanh nấu mềm mịn nhưng vẫn giữ lại độ ngon của hạt, nước cốt dừa thêm vào lớp béo ngậy và hương thơm đặc trưng. Sự kết hợp này tạo ra một hương vị độc đáo, khiến chè đậu xanh trở thành một món tráng miệng không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực miền Trung nói riêng.
14. Chè trôi nước
Giữa nhiều món tráng miệng, chè trôi nước là một trong những lựa chọn được yêu thích bởi người dân miền Trung, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết Nguyên Đán. Món chè được làm từ bột nếp, tạo thành những viên tròn mịn màng với nhân bên trong thường là đậu xanh hoặc mè đen, rồi luộc chín và thả vào nước đường nấu sẵn. Đây có thể nói là món ăn kết thúc bữa cơm hoàn hảo, mang đến sự ngọt ngào, trọn vẹn cho mọi thành viên trong gia đình.
Khi ăn, những viên chè trôi nước mềm mại, bọc lớp nhân bùi béo, hòa quyện trong nước đường ngọt lịm, mang lại cảm giác vừa ấm áp, vừa nhẹ nhàng, thích hợp để thưởng thức trong không khí lạnh của mùa xuân.
=> Khám phá ngay:
- Câu chúc Tết 3 chữ
- Câu chúc Tết 4 chữ
- Câu đối chúc Tết
- Biếu quà Tết nên nói gì
- Cách biếu quà Sếp khéo léo
- Nên biếu quà Tết vào ngày nào
15. Bánh ít
Trong không khí sum vầy ngày Tết, bánh ít tuy giản dị nhưng mang đầy thông điệp ý nghĩa. Bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh, đôi khi là đậu đỏ hoặc dừa nạo, nặn thành từng chiếc bánh nhỏ xinh gói trong lá sen hoặc lá chuối, đem lại hương thơm tự nhiên đặc biệt.
Việc gói bánh ít cầu kỳ, chăm chút cho từng chiếc bánh nhỏ tượng trưng cho sự tôn trọng, chăm sóc cho gia đình và người thân. Người miền Trung tin rằng, ăn bánh ít vào ngày Tết không chỉ là thưởng thức món ăn ngon mà còn là sự kết nối, giữ gìn những giá trị truyền thống, đồng thời mong muốn một năm mới trọn vẹn, ấm no.
16. Bánh in
Bánh in là một món bánh truyền thống nổi bật trong những ngày Tết miền Trung, với hình dáng đặc biệt và hương vị ngọt ngào. Những chiếc bánh in có thể coi là biểu tượng của sự tinh tế trong nghệ thuật làm bánh truyền thống của người miền Trung.
Thành phần chính của bánh in là bột nếp, đường và một ít dầu ăn, cùng với khuôn bánh in truyền thống được chạm khắc những hình ảnh đặc trưng như hoa văn, chữ Tết hoặc các hình tượng may mắn. Món bánh này thường được làm nhỏ, mềm mịn, màu sắc đẹp mắt và có vị ngọt nhẹ, dễ ăn.
17. Bánh thuẫn
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bánh thuẫn trong dịp lễ Tết hoặc cúng tổ tiên ở miền Trung. Những chiếc bánh thuẫn có hình dáng giống như những chiếc tổ chim nhỏ, với vỏ bánh mỏng, xốp và một lớp nhân ngọt ngào ở giữa.
Bánh thuẫn được làm từ bột gạo, trứng, đường và một ít bột nở, tạo nên những chiếc bánh nhẹ nhàng, mềm mịn. Điều đặc biệt là bánh được nướng trong khuôn chóp, tạo nên hình dáng độc đáo, với phần vỏ giòn nhẹ, phần ruột lại mềm, xốp và hơi ngọt.
18. Bánh lăn
Bánh lăn là một món đặc sản dân dã của miền Trung, có mặt trong hầu hết các gia đình trong những dịp Tết. Bánh được làm từ bột gạo, nhân dừa nạo tươi, đường và một chút muối, tạo nên sự hòa quyện độc đáo giữa vị ngọt của đường và vị béo của dừa. Bánh lăn được làm hình trụ dài, bên ngoài được phủ lớp bột gạo trắng, mềm dẻo, trong khi nhân dừa được cuộn bên trong, mang đến vị ngọt thơm, mềm mịn.
Ẩm thực Tết miền Trung không chỉ làm nên bữa cơm gia đình đầm ấm, những món ngon này còn chứa đựng bao giá trị văn hóa sâu sắc, lâu đời và là sợi dây liên kết chắc chắn đưa chúng ta về với cội nguồn. Dẫu cho Tết có biến đổi theo thời gian, những món ngon ngày Tết vẫn sẽ luôn hiện diện như một lời nhắc nhở về tình yêu gia đình, quê hương và những điều bình dị nhất trong cuộc sống.
Cố vấn kiêm nhà biên tập sản xuất nội dung tại Wine VN. Với hơn 9 năm kinh nghiệm kinh doanh rượu vang và rượu mạnh, tôi đã nghiên cứu và thử nhiều loại rượu hàng đầu thế giới như vang Ý, Champagne, Whisky, Chivas, Vodka,…Bằng kiến thức và hiểu biết của mình, tôi muốn truyền cảm hứng cho những ai yêu thích rượu thông qua các chia trẻ trên website.