Món ăn ngày Tết miền Bắc là sự kết tinh của văn hóa ẩm thực truyền thống; vừa thơm ngon, vừa mang ý nghĩa và thông nghiệp sâu sắc. Trên mâm cỗ Tết, từng món ăn hòa quyện đánh thức vị giác, gợi lên hình ảnh đoàn viên ấm cúng, gia đình quây quần và chia sẻ niềm vui đầu xuân. Trong không khí rộn ràng ấy, ẩm thực ngày Tết trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện đại, lưu trữ giá trị gia đình qua bao thế hệ.
1. Bánh chưng
Bánh chưng từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Bắc, gắn liền với sự tích “Bánh chưng – Bánh dày” trong truyền thuyết Lang Liêu. Chiếc bánh vuông vắn, được gói gọn gàng, tỉ mỉ trong những chiếc lá dong xanh mướt; nhân đỗ xanh và thịt lợn được bao bọc bởi nếp cái hoa vàng mềm dẻo. Món ăn thể hiện sự hòa quyện giữa tinh hoa đất trời, đồng thời làm nổi bật bàn tay khéo léo của những con người làm ra chúng.
Ngoài giá trị ẩm thực, bánh chưng còn có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa tâm linh. Món bánh được dâng lên bàn thờ tổ tiên nhằm bày tỏ lòng biết ơn và mong cầu một năm mới bình an, đầy đủ và hạnh phúc. Nhiều gia đình miền Bắc vẫn giữ vững tục lệ gói bánh chưng dịp Giao thừa như một nét đẹp truyền thống, giúp gắn kết các thế hệ trong những ngày cuối năm.
2. Bánh dày
Bánh dày tượng trưng cho bầu trời, sự viên mãn, vĩnh cửu và trọn vẹn. Từ gạo nếp thơm dẻo, bánh được giã nhuyễn theo từng cú chày nhịp ngàng, nặn thành hình dáng tròn đầy với màu trắng tinh khôi. Đây là món ăn vô cùng công phu và yêu cầu sự tỉ mỉ, mức độ kiên nhẫn cao từ người làm bánh.
Khác với bánh chưng, bánh dày không có nhân mà nổi bật nhờ độ mềm dẻo, thơm bùi của gạo nếp. Khi ăn, bánh thường được thưởng thức cùng giò lụa hay chả quế, tạo nên hương vị hài hòa, thơm ngon. Trong không khí Tết, hình ảnh bánh dày luôn gợi cảm giác thiêng liêng, là lời cầu nguyện cho một năm mới đủ đầy, trọn vẹn.
=> Đừng bỏ qua:
3. Gà luộc
Gà luộc là món ăn ngày Tết truyền thống quan trọng trong bữa cơm Tết miền Bắc, thường được dâng lên bàn thờ tổ tiên như một cách thể hiện lòng thành kính. Hương vị đặc trưng của gà luộc đến từ giống gà ta chắc thịt, thơm ngon; sau khi luộc gà mang màu vàng óng ánh tự nhiên, vô cùng bắt mắt.
Để làm ra món gà luộc hoàn hảo, từ khâu chọn gà, làm sạch đến cách luộc đều cần sự thống nhất, khéo léo, để gà vừa chín tới và vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên. Theo quan niệm dân gian, gà trống cất tiếng gáy là biểu tượng của sự khởi đầu và tinh thần mạnh mẽ. Vì thế món gà luộc xuất hiện trên mâm cỗ Tết như chứa đựng lời chúc về một năm mới đầy khởi sắc, thịnh vượng và may mắn.
4. Nem rán
Trong mâm cỗ Tết miền Bắc không thể thiếu đi sự có mặt của nem rán, hay theo cách gọi miền Nam là chả giò. Những chiếc nem giòn rụm, vàng ươm được cuốn khéo léo từ bánh đa nem, bên trong là nhân thịt, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ,… tạo nên sự hài hòa cả về hương vị lẫn màu sắc. Nem rán không chỉ hấp dẫn bởi về ngoài đẹp mắt, mà còn bởi mùi thơm đặc trưng khi được chiên vàng trên bếp.
Quá trình làm nên một đia nem rán đòi hỏi sự tỉ mỉ từ trong tất cả các khâu thực hiện. Lớp bánh đa chuẩn bị phải mỏng nhưng dai, không dễ rách; nhân phải được trộn đều cho thấm gia vị. Khi rán nem phải đều tay, lửa vừa không quá lớn để nem chín vàng giòn bên ngoài nhưng vẫn giữ được độ mềm bên trong. Nem thường được chấm với nước mắm pha chua ngọt, thêm tỏi ớt, củ cải và cà rốt xắt nhỏ, tạo nên hương vị đậm đà, khó cưỡng.
5. Giò
Giò lụa
Được làm từ thịt lợn nạc, nước mắm ngon và gói bằng lá chuối, giò lụa mang đến hương vị thơm ngon, hài hoà cho mâm cỗ Tết của người dân miền Bắc. Để tạo nên những khoanh giò trắng mịn, khi cắt ra đều đặn, đẹp mắt yêu cầu sự khéo léo và kinh nghiệm dày dặn từ người làm. Trong bữa ăn, giò lụa luôn là món được các thế hệ yêu thích bởi sự dễ ăn và khả năng kết hợp đa dạng với nhiều món ăn trong mâm cỗ.
Giò thủ
Lát giò thủ với hương vị đậm đà, dai giòn lạ miệng luôn được thực khách nhớ mãi sau khi thưởng thức. Được làm từ thịt đầu lợn, tai lợn, mộc nhĩ cùng hạt tiêu và nước mắm, món ăn này mang đến sự đa dạng từ cả hương vị và kết cấu. Mỗi khoanh giò là sự hòa quyện giữa vị béo, cay và hương thơm đặc trưng của các nguyên liệu. Giò thủ thường xuất hiện trong các bữa cơm Tết nhờ khả năng bảo quản tốt, tiện lợi và mang lại sự mới lạ cho thực đơn truyền thống.
6. Dưa hành
Nhắc đến mâm cỗ Tết miền Bắc không thể không nhắc tới bát dưa hành với vị chua dịu và chút cay nồng đặc trưng. Đây là món ăn dẫn dã nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hương vị của các món ăn ngày Tết. Những củ hành tươi, nhỏ, trắng ngần, đem muối chua để tạo hương vị thanh nhẹ, giúp giải ngấy hiệu quả khi kết hợp cùng các món ăn nhiều đạm như bánh chưng, thịt đông hay giò, nem,…
Các công đoạn làm nên dưa hành khá đơn giản nhưng cần sự khéo léo. Hành củ được sơ chế kỹ, ngâm nước muối hoặc nước vo gạo để giảm bớt vị hăng, tiếp đó đem ngâm với muối, đường và giấm. Sau vài ngày, hành sẽ chuyển sang màu trong suốt, tỏa ra mùi thơm đặc trưng và có độ giòn vừa phải.
7. Thịt đông
Món thịt đông với lớp thạch trong veo và phần thịt mềm mịn là một trong những món ăn độc đáo của ngày Tết miền Bắc, được chế biến từ thịt lợn, tai lợn, mộc nhĩ và hạt tiêu. Món ăn không chỉ gây ấn tượng với người thưởng thức bởi hương vị thanh mát mà còn bởi hình thức độc lạ sau khi để lạnh, lớp thịt khi đông lại như một tấm gương phản chiếu vô cùng bắt mắt, cuốn hút người nhìn.
Món thịt này thường được chuẩn bị từ trước Tết và có thể giữ được lâu, rất thích hợp trong những ngày Tết bận rộn. Hương vị thanh thoát, ngọt ngào từ đĩa thịt như lời chúc năm mới an lành, hạnh phúc và mong cầu sự hòa thuận trong mỗi gia đình.
=> Có thể bạn quan tâm:
- Báo giá giỏ quà Tết
- Giỏ quà Tết đơn giản
- Hộp quà Tết
- Giỏ quà Tết
- Quà Tết doanh nghiệp
- Quà Tết rượu vang
- Quà Tết Ý Nghĩa
8. Canh măng
Cái tên tiếp theo là canh măng, món canh truyền thống ngày Tết với hương vị thanh mát, dễ ăn và bổ dưỡng. Măng tươi hoặc măng khô được được lựa chọn để chế biến; sau khi luộc kỹ để loại bỏ bớt độc tố, măng được cắt nhỏ, kết hợp với thịt hoặc xương ninh để tạo nên nước dùng thơm ngon với vị ngọt tự nhiên. Độ giòn nhẹ của măng hòa quyện cùng hương vị ngọt thanh từ thịt tạo nên một tổng thể canh măng đậm đà, dễ chịu cho người thưởng thức.
Canh măng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự an lành và sự hòa hợp trong gia đình. Món ăn này cũng là một biểu tượng của sự khởi đầu mới, thanh thản và bình yên trong năm mới. Với mâm cỗ Tết miền Bắc, canh măng luôn xuất hiện như một phần không thể thiếu, mang đến sự tươi mới và hy vọng.
9. Miến măng gà
Canh măng còn có thể ăn cùng với miến dong, và được biến tấu thành món miến măng gà, một sự kết hợp hoàn hảo. Khác với canh măng thông thường, miến măng gà sử dụng nước dùng từ xương gà, sau đó thêm miến vào để tạo sự hòa quyện giữa nước dùng ngọt và miến mềm. Măng được sơ chế kỹ để loại bỏ vị đắng, cho vào nồi để nấu cùng với gà, gia vị được thêm vào vừa phải để không làm mất đi sự nhẹ nhàng của món ăn.
Từng sợi miến thấm đẫm nước dùng, ăn kèm với thịt gà mềm ngọt và măng giòn giòn, tạo nên một món ăn đậm đà mà vẫn thanh thoát. Miến măng gà là một món ăn nhẹ nhàng nhưng đầy đủ dưỡng chất, là món ăn phổ biến trong các gia đình miền Bắc vào dịp đầu xuân, cầu chúc bình an và sức khỏe cho cả gia đình trong năm mới.
10. Miến xào thập cẩm
Nhiều gia đình miền Bắc lựa chọn miến xào thập cẩm như một cách làm mới thực đơn Tết và đổi vị cho các thành viên. Miến xào thập cẩm mang đến sự kết hợp phong phú giữa các nguyên liệu tươi ngon, tạo nên một món ăn đậm đà và hấp dẫn.
Đĩa miến xào thập cẩm bắt mắt là sự cân bằng hoàn hảo giữa các hương vị, tạo điểm nhấn đặc sắc cho mâm cỗ Tết. Món ăn cũng thể hiện sự sáng tạo trong ẩm thực ngày Tết, khi mỗi gia đình có thể tự do biến tấu công thức theo sở thích mà vẫn giữ được nét truyền thống, nguyên bản.
11. Các món nộm
Cũng là một lựa chọn giải ngấy hiệu quả, các món nộm mang đến sự tươi mới, giúp cân bằng hương vị cho bữa ăn. Sự đa dạng trong nguyên liệu, hương vị và kết cấu của món nộm luôn là sự lựa chọn hoàn hảo góp phần làm phong phú mâm cỗ ngày xuân.
Với nguyên liệu chủ yếu là rau củ như su hào, cà rốt, dưa chuột,… cùng thịt gà, hay tai heo, tôm, món nộm thường được trộn đều với các gia vị như tỏi, ớt, đường, dấm, quyện lại thành một tổ hợp tuyệt vời của vị các hương vị chua, ngọt, cay và mặn. Sự kết hợp gia vị hài hòa này giúp nâng tầm món ăn, kích thích vị giác và làm tăng sự ngon miệng.
12. Xôi gấc
Màu đỏ rực rỡ, biểu tượng của ngày Tết Việt được thể hiện qua món xôi gấc đỏ tươi, thơm dẻo. Gấc được chọn để tạo nên màu đỏ đặc trưng cho món ăn, sắc đỏ của sự may mắn, thịnh vượng. Gạo nếp sau khi được nấu chín mềm sẽ được trộn đều cùng phần thịt gấc để làm ra thành phẩm món xôi gấc vừa đẹp mắt, vừa bổ dưỡng.
Vị ngọt tự nhiên của gấc kết hợp với gạo nếp dẻo tạo nên sự hòa quyện đầy hấp dẫn. Xôi gấc ăn kèm với các món mặn như thịt gà luộc, chả lụa hay nem rán sẽ càng làm tăng thêm hương vị, mang lại sự trọn vẹn cho mâm cỗ Tết.
13. Thịt kho tàu
Ngày Tết, miền Nam có món thịt kho tàu và miền Bắc cũng vận! Nhưng cũng là thịt kho tàu, hai miền lại có cách chế biến khác nhau, mang đến trải nghiệm thưởng thức cũng vô cùng khác biệt. Với thịt kho tàu miền Bắc, nước dùng nấu thịt là nước hàng màu nâu đậm, đẹp mắt và không quá ngọt; trong khi đó ở miền Nam, thịt kho lại được chế biến cùng nước cốt dừa ngọt ngào.
Món ăn được làm từ thịt ba chỉ kho cùng nước hàng, gia vị như hành, tỏi, tiêu và nước mắm, giúp thịt thấm đẫm hương vị đậm đà mà không bị ngấy. Thịt kho tàu miền Bắc không chỉ là món ăn đặc trưng ngày Tết, mà còn là món ăn thường ngày, có thể thấy bất kể thời điểm nào trong năm tùy vào mỗi gia đình.
=> Khám phá ngay:
- Câu chúc Tết 3 chữ
- Câu chúc Tết 4 chữ
- Câu đối chúc Tết
- Biếu quà Tết nên nói gì
- Cách biếu quà Sếp khéo léo
- Nên biếu quà Tết vào ngày nào
14. Chè kho
Hương vị ngọt thanh từ đậu xanh, sự béo ngậy của dừa tươi và một chút lá dứa thơm nhẹ là những gì tạo nên đặc trưng của chè kho trong mâm cỗ Tết miền Bắc. Đậu xanh được ninh mềm, kết hợp với đường phèn tạo ra một hỗn hợp mịn màng, không quá ngọt mà rất dễ chịu.
Khi nghĩ tới chè chắc hẳn nhiều người sẽ tưởng tượng ra một món tráng miệng ngọt có nước đường hoặc nước cốt dừa sóng sánh. Tuy nhiên, khác với các loại chè thông thường, chè kho có kết cấu đặc, giống như pudding và không nước. Đây là món ăn có vị ngọt đậm, và món chè truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc.
15. Canh bóng thả
Sự tinh tế trong mâm cỗ Tết miền Bắc được thể hiện rõ qua bát canh trong veo, điểm xuyết những viên bóng bì căng tròn, kết hợp với rau củ đầy màu sắc. Canh bóng thả không chỉ là một món ăn mà còn là một tác phẩm nghệ thực cho giác quan. Nước dùng trong canh bóng thả thường được hầm từ xương ống, mang lại vị ngọt tự nhiên mà không cần sử dụng nhiều gia vị.
Khi nếm, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh nhẹ, tinh khiết, nhưng không hề nhạt nhẽo. Mỗi miếng bóng thấm vị, mềm nhưng vẫn giữ được độ dai vừa phải, hòa quyện cùng vị ngọt giòn của rau củ và mùi thơm từ nấm hương. Đây là món ăn không chỉ làm đẹp mâm cỗ mà còn cân bằng vị giác sau những món ăn giàu đạm như thịt đông hay giò chả.
Một cái Tết trọn vẹn khi những giá trị gia đình và tình thân được vun đắp qua từng bữa cơm đoàn viên. Mâm cỗ Tết miền Bắc không đơn thuần là sự hội tụ của những món ăn ngon, mà trong đó còn chứa đựng giá trị văn hóa và truyền thống lâu đời, sự khéo léo, tỉ mỉ và lòng thành kính của gia đình với tổ tiên. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, những món ăn truyền thống này vẫn giữ nguyên sức hút, trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, lưu trữ trọn vẹn bản sức dân tộc qua từng thế hệ.
Wine VN là đại lý nhập khẩu và phân phối các loại rượu vang, rượu mạnh chính hãng với đầy đủ chủng loại đến từ các quốc gia như Ý, Chile, Pháp, Úc, Mỹ… Với kinh nghiệm 9 năm trong lĩnh vực rượu, chúng tôi có những kiến thức sâu rộng về rượu và các chủ đề liên quan. Hy vọng mang đến cho Quý Khách hàng những thông tin chia sẻ hữu ích nhất!