Danh mục sản phẩm

Tổng Hợp Món Ăn Ngày Tết Cổ Truyền – Đặc Sắc 3 Miền

4.8/5 - (5 bình chọn)

Món ăn ngày Tết không chỉ là sự kết tinh của hương vị, mà còn là biểu tượng của những giá trị văn hóa, tinh thần đoàn viên, sum vầy của dân tộc Việt Nam. Những món ăn trong mâm cỗ Tết mang theo nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, vừa mang theo những lời chúc phúc cho một năm mới an lành, thịnh vượng.

Những món ăn ngày Tết cổ truyền:

  1. Bánh chưng Tết
  2. Bánh tét
  3. Thịt gà luộc
  4. Thịt kho tàu
  5. Giò, chả Tết
  6. Canh măng
  7. Canh khổ qua
  8. Xôi Tết
  9. Chè Tết
  10. Nem rán
  11. Nộm
  12. Gỏi gà
  13. Dưa chua, dưa hành, dưa giá

Mỗi miền Tổ quốc ta đều có những món ăn truyền thống đặc biệt từ bánh chưng, bánh tét đến các món chay mới lạ nhưng đầy bổ dưỡng; tất cả đều tạo nên một không khí Tết đầm ấm, tràn ngập hy vọng và yêu thương.

Ý nghĩa món ăn ngày Tết

Những món ăn ngày tất không đơn thuần chỉ là đặc sản vùng miền hay đồ ăn cho đủ mâm cỗ, tất cả đều mang đậm ý nghĩa văn hóa, tâm linh và gắn kết gia đình. Từng món ăn trên mâm cỗ Tết đều chứa đựng những giá trị truyền thống, phản ánh tinh thần dân tộc và mong muốn tốt đẹp cho năm mới. Chẳng hạn như bánh chưng, bánh tét, 2 món ăn thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, sự đủ đầy và trọn vẹn; hay dưa hành, củ kiệu là biểu tượng của sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống.

món ngon ngày tết
Bữa cơm ngày Tết mang những lời chúc tốt đẹp và ý nghĩa của sự gắn kết

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị và thưởng thức món ăn ngày Tết còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ niềm vui và thắt chặt tình thân. Mâm cỗ Tết là biểu tượng thiêng liêng của tình cảm gia đình, sự kết nối và niềm hy vọng cho một khởi đầu tốt đẹp. Những món ăn ngày Tết khơi dậy niềm tự hào về nét văn hóa ẩm thực, cùng với đó duy trì và truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp qua nhiều thế hệ.

=> Khám phá ngay:

Tổng hợp các món ngon ngày Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam

Ngày Tết luôn là dịp để cả gia đình sum vầy, quây quần bên nhau và một trong những phần không thể thiếu trong không khí đầu xuân này là các món ăn truyền thống, đậm đà hương vị từng miền. Mỗi miền đều có các món ăn ngày Tết đặc trưng và đặc sắc mà khi nói đến Tết chúng ta đều sẽ nghĩ tới:

1. Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn đặc trưng Tết Nguyên Đán miền Bắc, tượng trưng cho đất trời và lòng biết ơn với tổ tiên. Bánh được làm từ gạo nếp, với nhân đỗ xanh, thịt lợn và được gói chặt bằng lá dong, tạo thành hình vuông. Bánh chưng dẻo thơm, ngọt bùi dường như là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc.

bánh chưng
Bánh chưng vuông vức được bao bọc bởi lá dong xanh mướt

Nhiều gia đình còn có truyền thống cùng nhau sum họp gói bánh chưng trước Giao thừa và cùng thức trắng đêm, nấu bánh chưng chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Bên cạnh việc thể hiện sự khéo léo và công phu của người làm, bánh chưng còn là cầu nối tạo nên những kỷ niệm khó quên, không khí ấm áp trong những ngày đầu xuân.

2. Bánh tét

Tương tự với bánh chưng, ở miền Nam, món bánh tét là món ăn truyền thống, đặc trưng của người dân nơi đây trong dịp Tết Nguyên Đán. Bánh có hình dạng tròn dài, tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn và lòng biết ơn tổ tiên. Được làm từ gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh và gia vị, bánh tét được gói trong lá chuối tươi và buộc chặt bằng dây lạt. Sau đó, bánh được đem luộc trong nhiều giờ đồng hồ, tạo nên hương vị dẻo mềm, bùi ngậy.

bánh tét
Bánh tét tượng trưng cho sự bền vững và trường tồn

Khi cắt bánh, mọi người sẽ thấy lớp nếp trắng ngần, đậu xanh vàng ươm và thịt ba chỉ đỏ tươi, là sự kết hợp hoàn hảo của hương vị đất trời. Đặc biệt, bánh tét được xem là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết của người miền Nam, thường xuyên xuất hiện trong các bữa tiệc, làm món đãi khách, và cũng là món quà biếu trong những ngày đầu xuân.

3. Thịt gà luộc

Thịt gà luộc là món ăn quen thuộc nằm trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc; tuy nhiên, không phải chỉ miền Bắc mới ăn gà luộc ngày Tết, cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều có gà luộc trong những món ăn ngày Tết. Gà luộc thường được chọn là con gà trống, mập, có da vàng bóng, được luộc nguyên con để giữ được hương vị tự nhiên.

thịt gà luộc
Gà luộc – món ăn Tết của 3 miền

Món ăn đơn giản, ý nghĩa, thường ăn kèm với nước chấm muối tiêu chanh, tạo nên sự kết hợp hài hòa, đậm đà. Gà thường được chuẩn bị để cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và cầu chúc cho gia đình sức khỏe, an lành và tài lộc trong năm mới.

=> Có thể bạn quan tâm:

4. Thịt kho tàu

Thịt kho là món ăn truyền thống ngày Tết của cả hai miền Bắc và Nam, mang ý nghĩa sum vầy, sung túc và trọn vẹn. Dù cách chế biến có sự khác biệt giữa hai miền, món ăn mỗi miền vẫn giữ được nét đặc trưng, dễ chế biến và bảo quản được lâu.

Ở miền Nam, thịt kho tàu thường được nấu cùng nước dừa, tạo nên vị ngọt thanh tự nhiên và màu sắc óng ánh đẹp mắt. Thịt ba chỉ là nguyên liệu chính, được cắt thành khối vuông, kho mềm cùng trứng vịt hoặc trứng gà. Nước kho đậm đà, sánh quyện với mùi thơm đặc trưng từ nước dừa, tạo nên hương vị béo ngậy khó quên.

thịt kho tàu
Thịt kho tàu thơm ngon, hấp dẫn

Trong khi đó, ở miền Bắc, thịt kho tàu mang phong cách chế biến khác biệt. Người miền Bắc không sử dụng nước dừa, thay vào đó là nước hàng để tạo màu nâu đậm đẹp mắt. Gia vị thiên về vị mặn, ngọt nhẹ, đậm đà hơn, giúp món ăn hòa quyện hoàn hảo với cơm nóng hoặc xôi. Ngoài trứng vịt, người miền Bắc còn kho cùng trứng gà hoặc trứng cút, tạo sự đa dạng trong hương vị và hình thức trình bày.

5. Giò, chả

Giò (giò lụa, giò thủ)

Một trong nhiều món ăn truyền thống ngày Tết đó là giò, nổi bật là giò lụa và giò thủ xuất hiện ở gần như cả ba miền Bắc – Trung – Nam, nhưng phổ biến nhất là tại miền Bắc. Giò là món ăn tiện lợi, dễ bảo quản, phù hợp làm món ăn kèm với đa dạng món như cơm hay bánh chưng, bánh tét.

giò lụa
Giò lụa là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc

Giò lụa được làm từ thịt heo nạc xay nhuyễn, trộn với nước mắm ngon và gói trong lá chuối xanh, sau đó luộc chín. Lát giò lụa tròn đều, mềm mịn và có mùi thơm tự nhiên từ thịt và lá chuối, tượng trưng cho sự trọn vẹn, đầy đủ trong năm mới. Ngược lại, giò thủ có phần giòn dai hơn, được làm từ thịt thủ heo, tai heo và gia vị đậm đà, mang đến hương vị độc đáo và kết cấu hấp dẫn.

Chả (chả giò, chả lụa, chả bò)

Món cuốn chiên giòn được nhiều người yêu thích, chả giò là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở miền Nam. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nhân thịt, rau củ và gia vị, cuộn trong bánh tráng mỏng và chiên vàng ươm. Khi ăn, lớp vỏ ngoài giòn tan hòa quyện cùng nhân bên trong mềm ngọt, tạo nên một món ăn hấp dẫn, thường được dọn kèm nước chấm chua ngọt đặc trưng.

chả giò
Mỗi miền có một món chả ăn ngày Tết khác nhau

Chả lụa có sự tương đồng với giò lụa, nhưng kết cấu mềm hơn, mang đến hương vị thanh nhẹ, dễ ăn. Trong khi đó, chả bò, đặc trưng của miền Trung, được làm từ thịt bò xay nhuyễn, nêm nếm với tiêu và gia vị, sau đó hấp hoặc chiên chín. Chả bò có vị thơm đặc trưng của thịt bò, cay nhẹ từ tiêu, rất được ưa chuộng trong các bữa tiệc Tết.

6. Canh măng

Canh măng xuất hiện trong mâm cỗ Tết miền Bắc đóng vai trò cân bằng, giúp giảm bớt độ ngán trong bữa ăn. Được làm từ măng khô ngâm mềm, món canh được nấu cùng sườn non hoặc móng giò, tạo nên hương vị đậm đà và dễ chịu. Sau khi thái sợi mỏng, mang được ninh kỹ cho thấm gia vị, độ ngọt tự nhiên từ xương hầm và sự béo ngậy từ thịt. Không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi; canh măng thường được thưởng thức với cơm nóng, một tổ hợp hoàn hảo giúp sưởi ấm cơ thể trong thời tiết se lạnh miền Bắc.

canh măng
Bát canh măng ấm nóng cho những ngày đầu năm lạnh giá miền Bắc

7. Canh khổ qua

Cái tên của loại canh này chắc hẳn đã thu hút sự chú ý của nhiều người phương xa hay khác vùng miền. “Khổ qua” là lời cầu chúc đầu năm, mong mọi khó khăn trôi qua để đón nhận những điều tốt lành đến với cuộc sống. Món canh được chế biến từ trái khổ qua xanh mướt, cắt làm đôi, nhồi nhân thịt heo xay, nấm mèo, và gia vị đậm đà, sau đó nấu trong nước dùng hầm xương ngọt thanh. Hương vị đắng nhẹ từ khổ qua quyện với phần nhân thơm ngọt tạo nên sự hài hòa đầy thú vị.

khổ qua
Ăn canh “khổ qua” đón một năm mới không khó khăn

8. Xôi

Xôi gấc

Gạo nếp được trộn đều với thịt gấc chín, thêm chút rượu trắng để dậy mùi thơm, sau đó đồ chín bằng chõ tạo nên xôi gấc thơm ngọt. Xôi mềm dẻo, bóng mượt và thoang thoảng hương thơm tự nhiên, thường được ăn kèm cùng giò, chả hoặc thịt luộc. Với người dân miền Bắc, đĩa xôi gấc trên mâm cỗ vừa làm đẹp thêm bữa ăn, vừa gửi gắm lời chúc đầu năm mới may mắn, trọn vẹn và tốt lành.

xôi gấc
Xôi gấc đỏ, bóng mượt, thơm ngon

=> Tham khảo ngay các BST:

Xôi vò

Xôi vò được ưa chuộng trên mâm cơm Tết của người miền Nam bởi hương vị ngọt ngào và cách làm cầu kỳ. Gạo nếp sau khi ngâm mềm được đồ chín hai lần, trộn với đậu xanh đồ chín và giã nhuyễn, tạo nên từng hạt xôi tơi mịn, không dính mà vẫn mềm dẻo. Xôi vò có vị bùi của đậu xanh, béo nhẹ của nước cốt dừa, là món ăn ngon miệng và dễ bảo quản, thích hợp để mang đi biếu hoặc đãi khách ngày Tết. Món xôi này có thể được thưởng thức riêng lẻ hoặc kết hợp với chè, tạo nên một món tráng miệng đặc biệt.

xôi vò
Xôi vò có thể ăn cùng với chè đường

Xôi đậu xanh

Với người miền Trung, xôi đậu xanh trên mâm cỗ không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng cho sự dung dị, tiết kiệm và no đủ trong năm mới. Gạo nếp nấu xôi được đồ cùng đậu xanh hấp chín, tạo nên món xôi thơm dẻo, bùi bùi với màu vàng nhạt. Xôi đậu xanh thường được ăn kèm với muối mè rang hoặc các món mặn như thịt heo kho, giúp tăng thêm hương vị của món ăn.

xôi đậu xanh
Xôi đồ cùng đậu xanh dẻo bùi

9. Chè

Chè là món tráng miệng truyền thống góp phần làm phong phú thêm bữa ăn ngày Tết trên khắp cả ba miền. Ở miền Bắc, chè kho làm từ đậu xanh và đường, được nấu sánh đặc và dọn thành từng miếng vuông nhỏ, mang ý nghĩa no đủ, sung túc. Người miền Trung lại yêu thích chè đậu xanh nước cốt dừa, thanh ngọt và béo thơm.

chè kho
Chè kho miền Bắc

Trong khi đó, miền Nam thường chế biến chè trôi nước với viên bánh tròn dẻo mịn, nhân đậu xanh bùi bùi, tượng trưng cho sự đoàn tụ, hòa hợp. Dù mỗi miền có cách nấu chè khác nhau, món ăn này luôn gợi lên cảm giác ấm áp, ngọt ngào của dịp Tết.

10. Nem rán

Nem rán, hay còn gọi là chả giò ở miền Nam, là món ăn giòn rụm được nhiều gia đình yêu thích trong ngày Tết. Món ăn này gồm phần nhân từ thịt heo xay, miến, nấm hương, cà rốt và gia vị, được cuộn trong bánh tráng mỏng và chiên vàng.

nem rán
Nem rán giòn rụm là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết

Nem rán của người miền Bắc thường có vị đậm đà và sử dụng bánh đa nem truyền thống, trong khi chả giò miền Nam có nhân thêm khoai môn hoặc tôm, tạo vị ngọt đặc trưng. Đĩa nem rán vàng óng không chỉ mang lại hương vị hấp dẫn mà còn thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người làm bếp trong dịp Tết.

11. Nộm

Nộm là món khai vị quen thuộc, nổi bật với sự tươi mát và giúp cân bằng vị giác giữa các món nhiều dầu mỡ. Miền Bắc thường làm nộm hoa chuối với vị chua ngọt từ nước mắm, kết hợp cùng chuối bào, lạc rang, và rau thơm. Miền Trung có nộm rau càng cua hoặc nộm xoài xanh, vừa giòn vừa chua nhẹ, rất hợp với khí hậu ấm áp. Còn miền Nam lại chuộng nộm củ sen trộn tôm thịt, mang đến sự thanh mát và bùi béo.

nộm
Nộm giúp giải ngấy trong bữa ăn nhiều dầu mỡ

12. Gỏi gà

Gỏi gà là món ăn được yêu thích trong ngày Tết nhờ hương vị đậm đà và cách chế biến đơn giản nhưng hấp dẫn. Miền Bắc thường chế biến gỏi gà với hành tây, rau răm, và chanh tươi, tạo vị chua nhẹ và thơm dịu. Ở miền Nam, người dân dùng gỏi gà với lá chanh và bắp cải bào mỏng, thêm chút nước mắm tỏi ớt đậm đà. Mỗi nơi một cách chế biến nhưng đều là một món ăn giúp giải nhiệt và giải ngán hiệu quả.

gỏi gà
Gỏi gà được chế biến đa dạng, phong phú

13. Dưa chua, dưa hành, dưa giá

Dưa hành là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Bắc, đặc biệt khi dùng kèm bánh chưng và thịt đông. Hành củ được chọn kỹ, sau đó muối cùng nước pha giấm, đường, muối, tạo ra hương vị chua thanh nhẹ, giòn tan và thơm nồng đặc trưng.

Dưa giá là món ăn tươi mát và bổ dưỡng, giá đỗ trắng được trộn cùng hẹ, cà rốt thái sợi và muối nhẹ với nước giấm đường, tạo nên vị chua ngọt dễ chịu, giòn tan và đầy sắc màu. Dưa giá thường được dùng để ăn kèm với thịt kho tàu, bánh tét, giúp tăng hương vị và giảm độ ngán cho các món béo. Với người miền Nam, dưa giá không chỉ là món ăn kèm mà còn là biểu tượng của sự thanh khiết, tươi mới đầu năm.

Dưa món, là món ăn Tết đặc trưng của người miền Trung, được chế biến cầu kỳ từ các loại củ quả như đu đủ, cà rốt, củ cải, và su hào. Các nguyên liệu được thái mỏng, phơi khô, sau đó ngâm với nước mắm đường đậm đà, tạo nên hương vị mặn ngọt hài hòa, giòn sần sật.

các món dưa
Các món dưa mỗi vùng miền mỗi khác

Món ăn chay ngày Tết

Trong những năm gần đây, xu hướng ăn chay ngày Tết ngày càng phổ biến, bởi ý nghĩa thanh tịnh, tốt cho sức khỏe và đồng thời giúp cân bằng thực đơn vốn thường xuyên xuất hiện các món ăn giàu đạm và dầu mỡ. Mâm cỗ chay mang đến sự nhẹ nhàng, thanh đạm mà vẫn giữ trọn tinh thần Tết cổ truyền.

Việc lựa chọn món chay ngày Tết không chỉ dành riêng cho những cá nhân ăn chay trường, đây còn là ý tưởng tuyệt vời dành cho mọi đối tượng có mong muốn thay đổi khẩu vị hay cảm giác ngán trong các bữa tiệc.

1. Bánh chưng chay

Sự lựa chọn lý tưởng cho những gia đình yêu thích sự thanh đạm trong dịp Tết hay chỉ đơn giản là muốn thay đổi khẩu vị, đó chính là bánh chưng chay. Thay vì nhân thịt mỡ truyền thống, bánh được làm từ đậu xanh, hạt sen hoặc nấm hương, tạo nên hương vị bùi ngọt tự nhiên mà vẫn giữ được nét đặc trưng của món ăn cổ truyền.

bánh chưng chay
Bánh chưng chay nhẹ nhàng, thanh đạm

Ngoại hình của chiếc bánh chưng chay cũng không thua kém gì so với bánh bao truyền thống, lớp lá dong xanh mướt ôm trọn phần bánh vuông vức, bên trong là lớp nếp mềm dẻo bao bọc nhân đậu xanh vàng ươm. Bánh chưng chay là sự lựa chọn hoàn hảo để giảm tải sự dầu mỡ trong các món ăn ngày Tết, đồng thời rất phù hợp với người ăn kiêng.

2. Miến xào chay

Trong mâm cỗ Tết, miến xào chay có thể được dùng như món chính hoặc món phụ, giúp giải ngán hay làm mới khẩu vị giữa các món ăn đậm đà khác. Món ăn gồm miến dong cùng các loại rau củ như cà rốt, cần tây, rau cải chíp,… và nấm hương, đậu hũ. Tất cả được xào cùng dầu thực vật, nêm nếm vừa miệng và dùng lửa cùng kỹ thuật vừa phải để giữ được độ giòn mà màu sắc tươi ngon của rau củ.

miến xào chay
Lựa chọn miến xào chay nếu bạn muốn đổi vị và làm mới bữa ăn

Điểm đặc biệt của miến xào chay là sợi miến dai mềm, không bị vỡ khi chế biến, hòa quyện cùng vị ngọt tự nhiên của các loại nấm và rau củ. Món ăn này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn rất dễ ăn, phù hợp với mọi lứa tuổi.

3. Canh chua chay

Canh chua chay dễ nấu, giàu dinh dưỡng, đồng thời giúp cân bằng lại bữa ăn ngày Tết với nhiều món chiên xào. Nguyên liệu chính như đậu bắp, cà chua, giá đỗ, thơm và nước cốt me tạo nên một món canh hài hòa giữa vị chua nhẹ, ngọt thanh và chua dịu. Hương vị canh chua thanh thoát mà không hề nhàm chán, rất phù hợp ăn kèm với cơm trắng hay bún tươi.

canh chua chay
Canh chua chay dễ nấu với vị chua nhẹ, ngọt thanh vô cùng dễ chịu

4. Chả lụa chay

Chả lụa chay có thể được làm từ tàu hũ ky, nấm mèo hoặc nấm bào như hay đậu xanh, cùng với bột năng để tạo nên kết cấu hoàn hảo, thêm vào các loại gia vị như hạt nêm và tiêu xay giúp món thêm phần hấp dẫn. Chả lụa chay thường được gói bằng lá chuối xanh và hấp chín, giúp giữ nguyên hương vị tự nhiên. Quá trình chế biến chả đòi hỏi sự khéo léo để có được thành phẩm với độ dai, thơm đặc trưng mà không cần đến thịt.

chả lụa chay
Giò lụa chay độc đáo, thơm ngon

Khi cắt lát, bạn sẽ thấy chả có màu trắng ngà hoặc hơi sẫm cùng chút tiêu đen, tạo nên món ăn vừa ngon miệng vừa ngon mắt. Đây là món chay dễ ăn, phù hợp với mọi lứa tuổi và thường được kết hợp cùng dưa món hay củ kiệu.

5. Bánh bao chay

Những tín đồ ăn chay không thể không biết đến bánh bao chay, loại bánh chay thơm ngon, mềm mịn và dễ ăn nhất trong các dịp lễ hay kể cả ngày thường. Bánh bao chay thường là những loại bánh bao không nhân, có thể được hấp lá dứa để tăng hương vị.

bánh bao chay
Bánh bao chay đơn giản, dễ ăn với đa dạng cách chế biến

Ngoài ra, nhân bánh còn có thể được biến tấu với rau củ, nấm hay đậu hũ; đôi khi lại là nhân đậu xanh, khoai môn. Bánh có hai cách ăn chính, một là ăn bánh bao hấp truyền thống, hai là chiên vàng bánh bao lên và thưởng thức, làm cho kết cấu bánh thêm phong phú và thú vị.

6. Thịt đông chay

Thịt đông chay có vẻ ngoài hấp dẫn, trong veo điểm xuyết những lát nấm và rau củ, tạo nên một tổng thể cuốn hút và ngon mắt. Là món chay độc đáo trong mâm cỗ Tết miền Bắc, món ăn được làm từ nấm hương, nấm đông cô, đậu hũ và bột rau câu để tạo độ đông tự nhiên. Khi chế biến, nấm sẽ được xào thơm rồi nấu cùng nước dùng rau củ cho thêm phần đậm đà và sau đó để nguội cho đông lại. Món ăn có vị thanh mát của nấm kết hợp cùng độ giòn nhẹ của rau củ mang lại cảm giác lạ miệng nhưng cũng rất dễ chịu.

thịt đông chay
Thịt đông chay được làm từ nhiều loại nấm và rau củ

7. Nem chay

Với lớp vỏ vàng ruộm cùng nhân rau củ thanh đạm, nem chay là món khai vị hoàn hảo cho bữa tiệc Tết. Những nguyên liệu để làm nên món khai vị này gồm miến, cà rốt, nấm mèo, giá đỗ và đậu hũ được băm nhỏ và trộn đều cùng gia vị. Nhân sau khi chế biến và trộn đều sẽ được cuộn trong bánh tráng và chiên vàng giòn. Khi ăn, tương tự như nem rán nhân thịt, nem chay được chấm cùng mắm chay pha chua ngọt và ăn kèm cùng rau sống.

nem chay
Nem chay vàng giòn, ngon mắt

Những món ăn ngày Tết là một phần không thể thiếu trong không gian sum vầy năm mới của mỗi gia đình, là cầu nối gắn kết tình thân giữa người với người. Dù là Bắc – Trung – Nam, dù là ở bất cứ đâu trên mọi miền Tổ quốc, mâm cỗ Tết cổ truyền đều mang theo ước vọng tốt đẹp, lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương không mấy khi hiện hữu giữa các thành viên trong gia đình. Tết này hãy về nhà, về bên gia đình và người thân để cùng thưởng thức ẩm thực Tết truyền thống với những người mà bạn yêu thương nhất!

Bài viết liên quan

Rượu ngâm chuối chín

23/03/2025

Cách ngâm rượu chuối chín đơn giản dễ làm tại nhà

Ngâm rượu chuối chín là một trong những cách chế biến rượu truyền thống được nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, dễ uống và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với vị ngọt tự nhiên của chuối...
Logo