Danh mục sản phẩm

Top 15 Món Ngon Ngày Tết Miền Nam Đậm Đà Hương Vị Quê Hương

4.7/5 - (3 bình chọn)

Món ngon ngày Tết miền Nam luôn mang theo sự giao thoa hài hòa giữa hương vị truyền thống và nét giản dị, mộc mạc đặc trưng của vùng đất phương Nam. Từ nồi thịt kho trứng đậm đà vị nước dừa đến chiếc bánh tét xanh mướt gói gọn hương vị quê hương,… tất cả tạo nên một bức tranh ẩm thực đặc sắc, khó quên. Không chỉ là những món ăn đơn thuần, mâm cỗ Tết miền Nam còn là biểu tượng của sự sum vầy và lòng biết ơn; đồng thời mang theo bao lời chúc phúc, gửi gắm hy vọng cho một năm mới trọn vẹn, đủ đầy.

1. Bánh tét

Tương tự như bánh chưng miền Bắc, banh tét là linh hồn của mâm cỗ Tết miền Nam, mang theo hương vị của đất trời và sự khéo léo của người làm bánh. Đòn bánh tét thường có dáng hình trụ dài bao bọc bởi lá chuối, bên trong là nếp dẻo, nhân đậu xanh bùi bùi cùng thịt mỡ béo ngậy; đôi khi nhân bánh còn được cho thêm trứng muối tạo nên sự phong phú trong hương vị.

bánh Tét - món ăn ngày tết miền nam
Bánh “Tết” – linh hồn của mâm cỗ đầu xuân

Theo phong tục ngày Tết, nồi bánh tét thường được nấu vào đêm Giao thừa, đây là dịp để các gia đình quây quần bên nhau từ khâu gói bánh đến lúc đợi bánh nấu xuyên đêm. Khi thưởng thức, bánh tét xanh mướt sẽ được cắt ra và dọn kèm dưa hành hay củ kiệu, tạo sự cân bằng, hài hòa cho vị giác.

2. Thịt kho trứng

Thịt kho trứng hay thịt kho tàu là món ăn ngày Tết truyền thống, quen thuộc trong mâm cỗ Tết miền Nam, gắn liền với hình ảnh của sự sung túc và đoàn viên. Món ăn được chế biến từ thịt ba chỉ mềm ngọt, trứng vịt béo bùi kho chậm rãi trong nước cốt dừa để thấm đều gia vị. Thành quả sẽ được một nồi thịt với màu nâu óng ánh, hương vị đậm đà, hài hòa giữa vị mặn và ngọt.

thịt kho trứng luôn có trong mâm cơm ngày tết miền nam
Thịt kho trứng đậm đà, béo ngậy, mang đến sự sung túc và tròn đầy cho ngày Tết

Điều làm nên sức hấp dẫn của thịt kho trứng không chỉ nằm ở mùi vị lôi cuốn mà còn là sự khéo léo trong cách chế biến. Thịt cần được thái vừa miếng, không quá mỏng để giữ được độ mềm mọng, trong khi trứng cần luộc chín và chiên sơ để tăng độ dai. Trong bữa cơm ngày Tết, món ăn này kết hợp hoàn hảo với cơm trắng, dưa giá và củ kiệu, mang đến cảm giác ấm cúng và đậm đà vị quê hương.

=> Đừng bỏ qua: 

3. Gà luộc

Là món ăn chính quanh năm, gà luộc không chỉ dành riêng cho Tết Nguyên Đán mà còn có trong các dịp lễ hội, tiệc tùng, cưới hỏi hay giỗ chạp. Đĩa gà luộc ngày Tết xuất hiện ở cả ba miền, là biểu trưng cho sự trang trọng, may mắn và thịnh vượng. Với màu vàng ươm óng ả tự nhiên, thịt mềm thơm, gà luộc thường được chọn từ những con gà ta thả vườn, đảm bảo độ tươi ngon, chắc thịt. Sau khi luộc chín, gà thường được chặt thành các miếng vừa ăn, sắp xếp đều đẹp trên đĩa và ăn cùng chén muối tiêu chanh đậm đà.

gà luộc trong mâm cỗ tết miền nam
Sắc vàng ươm của gà luộc tượng trưng cho may mắn, cầu chúc một năm mới khởi đầu thuận lợi

4. Gỏi gà

Để đổi vị cho món gà luộc ngày Tết, đĩa gỏi gà được chế biến như một cách để giải ngán trong bữa ăn. Sự kết hợp giữa thịt gà ta xé nhỏ, rau răm, hành tây cùng các loại rau thơm và gia vị tạo nên một hương vị độc đáo, khó quên. Gỏi gà tươi mát tận dụng phần gà luộc còn dư tạo nên một món khai vị hấp dẫn, giúp cân bằng vị giác sau những món ăn đậm đà, đồng thời mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu cho bữa cơm sum họp.

gỏi gà trong mâm cỗ tết miền nam
Gỏi gà thanh mát, chua ngọt hài hòa, mang đến hương vị tươi mới và cân bằng cho mâm cỗ ngày Tết

5. Chả giò

Món ăn giòn tan, vàng ruộm luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam, mang lại sự vui vẻ và đủ đầy cho bữa ăn gia đình. Chả giò được làm từ lớp bánh tráng mỏng bọc bên ngoài nhân tôm, thịt bằm, củ sắn và nấm mèo, rồi được chiên vàng giòn đều. Mỗi cuốn chả giò là sự cân bằng hoàn hảo giữa vị ngọt của nhân, độ giòn của vỏ bánh và hương thơm đặc trưng của các loại gia vị. Chả giò dễ làm, dễ thưởng thức, là lựa chọn lý tưởng trong các bữa tiệc Tết để gắn kết tình thân.

mâm cơm tết miền nam luôn có chả giò
Chả giò giòn rụm, thơm ngon

6. Chả lụa

Lát chả mềm mịn, thơm lừng, luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Nam. Chả lụa được làm từ thịt heo nạc xay nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon và gia vị, gói trong lá chuối và hấp chín. Điểm đặc trưng của món ăn là hương thơm tự nhiên từ lá chuối hòa quyện cùng vị ngọt thanh, dai nhẹ của thịt.

trong mâm cơm tết miền nam có chả lụa
Chả lụa mềm mịn, đậm đà hương vị truyền thống

Ngoài cách dùng riêng thông thường, chả lụa còn có thể kết hợp với nhiều món ăn khác như bánh mì, xôi hoặc bánh tét, mang lại sự phong phú cho thực đơn Tết. Chả lụa là món ăn truyền thống đại diện cho sự trọn vẹn và may mắn dịp năm mới.

7. Xôi vò

Không khí đoàn viên ùa về trong mùa Tết, một địa xôi vò ấm nóng lại càng làm tăng thêm sự ấm áp và thân thương. Xôi vò là sự lựa chọn hoàn hảo cho bữa sáng cũng như là món chính đầy đặn cho mâm cỗ Tết miền Nam. Gạo nếp dẻo được hấp mềm, trộn với đậu xanh xay nhuyễn tạo thành một món ăn thơm ngon, bùi bùi. Để tăng thêm sự hấp dẫn, xôi thường được phủ một lớp dừa nạo sợi tươi ngon, giúp món ăn có độ béo ngậy và hương thơm nhẹ nhàng.

mâm cỗ ngày tết miền nam phải có xôi vò
Hạt xôi vàng ươm, mềm dẻo kết hợp với đậu xanh bùi thơm

8. Lạp xưởng

Tiếp nối danh sách là một món thịt hấp dẫn với màu sắc và hương thơm đặc trưng, luôn góp mặt trong mâm cỗ Tết của người dân miền Nam. Lạp xưởng được chế biến từ thịt heo tươi băm nhuyễn, hòa quyện với gia vị và một chút rượu, nhồi vào lòng heo và sau đó đem đi phơi hoặc hấp chín để gia tăng độ đậm đà. Món ăn thường được thưởng thức bằng cách nướng hoặc chiên sơ, tạo nên lớp vỏ giòn rụm, kết cấu thú vị, làm nổi bật hương thơm và mùi vị bùi ngọt đặc trưng của lạp xưởng.

mâm cỗ ngày tết miền nam phải có lạp xưởng
Món thịt truyền thống hấp dẫn trên mâm cỗ Tết miền Nam

9. Gỏi cuốn

Món ăn nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế này được người miền Nam rất yêu thích, đặc biệt trong các bữa cơm sum họp đầu năm. Gỏi cuốn gồm các nguyên liệu tươi ngon như tôm, thịt luộc, bún tươi, rau sống và một ít rau răm, tất cả cuốn gọn gàng, chặt tay trong lớp bánh tráng mềm mịn. Nước mắm pha chua ngọt được chuẩn bị để ăn cùng gỏi cuốn, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa các hương vị, làm nên món ăn vô cùng hấp dẫn.

Cuốn bánh tráng nổi tiếng trong mâm cỗ ngày tết miền nam
Cuốn bánh tráng mỏng cùng nhân tươi ngon tạo nên sự đa dạng trong mâm cơm sum họp

Gỏi cuốn đặc biệt thu hút người khác bởi sự tươi mới trong từng nguyên liệu. Từng miếng tôm, thớ thịt đều được chọn lọc kỹ càng, sơ chế cẩn thận, gói nhẹ nhàng trong lớp bánh tráng cùng lớp rau sống tươi, giòn, thanh mát. Món ăn nhẹ nhàng, dễ ăn, mang tới sự mới mẻ cho thực đơn Tết.

10. Dưa giá

Dưa giá chua nhẹ, giòn giòn là món ăn đặc trưng xuất hiện trong nhiều mâm cơm ngày Tết miền Nam. Để có dưa giá giòn ngon, người làm cần chọn giá tươi, sạch, không quá dài hay già. Sau khi ngâm trong nước muối chua ngọt, dưa giá có thời gian lên men vừa đủ để tạo ra hương vị đặc trưng, không quá chua mà vẫn giữ được độ giòn.

dưa giá ăn kèm mâm cơm ngày tết miền nam
Một món ăn kèm giúp giải ngấy hiệu quả

Dưa giá không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tươi mới và thanh sạch, giúp mọi người cảm thấy nhẹ nhàng trong bữa tiệc ngày xuân. Món ăn này thường được ăn kèm với cơm hoặc các món mặn như thịt kho, lạp xưởng, giúp cân bằng vị giác và làm nổi bật hương vị món ăn trong mâm cỗ Tết.

=> Có thể bạn quan tâm: 

11. Củ cải ngâm chua ngọt

Thực đơn Tết của nhiều gia đình miền Nam không thể thiếu món ăn kèm giải ngấy củ cải ngâm chua ngọt. Phần củ cải giòn giòn với vị chua ngọt kích thích vị giác vừa bổ sung sự phong phú cho bữa cơm, vừa mang đến sự hài hòa cho toàn bộ mâm cỗ.

củ cải ngâm trong mâm cơm Tết miền Nam
Vị chua ngọt hài hòa của củ cải ngâm góp phần cân bằng mâm cơm ngày Tết

Củ cải được thái mỏng, ngâm trong nước giấm pha đường, muối và gia vị cho đến khi thấm đều, tạo nên một món ăn kèm giòn sật, có màu sắc tươi sáng. Vị chua ngọt của món củ cải ngâm này giúp cân bằng lại khẩu vị sau những món ăn béo ngậy, đồng thời mang đến cảm giác tươi mới cho người thưởng thức.

12. Tôm khô củ kiệu

Tôm khô củ kiệu mang đậm hương vị Tết miền Nam, vừa thơm, vừa đậm đà, là món khai vị đầy lôi cuốn trong những bữa tiệc ngày xuân. Những con tôm khô nhỏ được phơi dưới ánh nắng cho đến khi khô giòn, kết hợp với củ kiệu chua ngọt, tạo thành một món ăn có vị mặn mà, độ giòn hợp lý, rất dễ gây nghiện. Món ăn này được ưa thích bởi hương vị độc đáo cùng với cách làm đơn giản, dễ chế biến, dễ bảo quản trong những ngày Tết.

tôm khô củ là món ăn ngày tết miền nam
Tôm khô củ kiệu với vị mặn ngọt đặc trưng vừa đậm đà, vừa dễ ăn

13. Canh măng giò heo

Sau khi đi qua các món mặn và món khô, một mâm cỗ Tết đầy đủ không thể bỏ sót món canh ngọt thanh, ấm nóng. Nước dùng ngọt thịt cùng giò heo mềm mọng và bị bùi bùi của măng khô đã làm nên món canh măng đặc trưng ngày Tết phương Nam. Món canh ấm áp và đầy đủ chất dinh dưỡng làm cho bữa cơm gia đình thêm trọn vẹn, kéo gần hợn khoảng cách giữa các thành viên.

mâm cơm ngày tết miền nam nên có canh măng giò heo
Canh măng giò heo thanh ngọt, béo ngậy, ấm áp và bổ dưỡng

14. Canh khổ qua nhồi thịt

Nồi canh khổ qua xanh mướt, thơm lừng mang ý nghĩa sâu sắc trong những ngày đầu xuân. Không chỉ là món ăn giải nhiệt, canh khổ qua còn mang ý nghĩa “khổ qua đi”, tượng trưng cho mong muốn xua tan khó khăn, vất vả của năm cũ để đón một năm mới an lành, thuận lợi. Sự kết hợp tinh tế giữa vị đắng của khổ qua và vị ngọt thanh của nước dùng cùng thông điệp sâu sắc đưa món canh này trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cơm Tết của gia đình miền Nam.

canh khổ qua trong mâm cơm Tết miền Nam
Sự kết hợp độc đáo giữa vị đắng và ngọt tạo nên bát canh khổ qua đặc trưng, ý nghĩa

15. Mứt dừa

Ngoài những bữa cơm chính đầy đủ, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua những món ăn vặt hấp dẫn của từng vùng miền. Những sợi mứt trắng ngần, thơm ngọt từ cơm dừa là một trong những món quà vặt gắn liền với Tết miền Nam. Là món ăn không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết, mứt dừa mang hương vị đặc trưng, gợi nhớ về những ngày xuân đoàn viên, sum vầy. Bên tách trà nóng, thưởng thức từng miếng mứt dừa dẻo ngọt, ta như cảm nhận được không khí Tết trọn vẹn hơn phần nào.

Mứt dẻo là món ăn truyền thống Việt
Món ăn vặt cũng như tráng miệng ngọt ngào, thơm dẻo mang đậm văn hóa Tết Việt

Mỗi món ăn ngày Tết nơi phương Nam đều mang một ý nghĩa riêng biệt đối với mỗi người. Không dừng lại ở hương vị gây nhung nhớ, mâm cỗ Tết miền Nam còn chứa đựng bao tình cảm, lòng biết ơn và lưu giữ nét văn hóa lâu đời. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều biến chuyển, nhưng hương vị Tết miền Nam vẫn luôn là sợi dây gắn kết bao thế hệ, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương trong lòng mỗi người con đất Việt.

=> Khám phá ngay:

Bài viết liên quan

Logo